Thú chơi lá kiểng đắt đỏ mới của người Việt
Mới du nhập vào Việt Nam nhưng cộng đồng kiểng lá đã hút hàng nghìn người, có bộ sưu tập cây trị giá hàng tỷ đồng hay cả trăm triệu đồng cho một chiếc lá.
Một chiều đầu tháng 3, lần đầu tiên ở Đà Nẵng diễn ra buổi gặp mặt của gần 50 người chơi kiểng lá. Trong khuôn viên ngập màu xanh, mọi người cùng nhau khoe và chiêm ngưỡng nhiều cây có lá đẹp và hiếm với tên khoa học khá khó nhớ như Anthurium Veitchii King, Philodendron Billietiae Croat, Alocasia Silver Dragon…
Nguyễn Ngọc Quý – admin một diễn đàn của hơn 5.500 người chơi kiểng lá cho biết, đây là thú chơi các loài cây lá có màu sắc đẹp, hình dáng lạ hay cây có lá biến đổi hình dáng, kích thước theo từng giai đoạn sinh trưởng. Thú chơi này xuất hiện từ thế kỷ 16 trong giới quý tộc châu Âu, sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, cộng đồng chơi kiểng lá xuất hiện 5 năm trở lại đây và phát triển mạnh trong năm 2020 “do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người không thể ra khỏi nhà nên bắt đầu quan tâm nhiều đến các sở thích lành mạnh khác”.
Là một người chơi mới, Thu Hằng, 32 tuổi, hào hứng đặt câu hỏi về cách chăm sóc từng loài cây, cách trộn giá thể. Hằng cũng muốn mua mấy cây Monstera đột biến nên hỏi về cách phân biệt đột biến tự nhiên hay can thiệp hóa chất. Thu Hằng kể, trước đây thấy mọi người chơi kiểng lá, cô nghĩ “chỉ là lá thôi mà, có gì mà ham”. Nhưng càng tìm hiểu về thú chơi này, cô gái càng say. Sau một năm, Hằng đã sở hữu 20 loại, chủ yếu thuộc dòng phổ thông.
Tiêu chí kiểng lá đắt hay rẻ phụ thuộc vào độ phổ biến của chúng. Có những dòng cây có lá màu sắc đẹp nhưng giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Một số dòng lai tạo không có ngoài tự nhiên có giá vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Một số dòng chỉ có vài chục cây trong tự nhiên nên người chơi cần phải bỏ ra hàng trăm triệu. Đắt nhất hiện tại là một số loài đột biến thuộc họ Ráy (Araceae) bởi số lượng cây trên thế giới chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.
Dù mới du nhập, cộng đồng chơi kiểng lá Việt Nam cũng sở hữu nhiều cây hiếm. Anh Định Hàn ở Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) có bộ sưu tập cây vào hàng đắt nhất thế giới. Đơn cử như cây Philodendron piritus sancti có 23 lá, được các sàn giao dịch quốc tế định giá khoảng 120.000 USD (2,7 tỷ đồng). Ngoài cây này, anh Hàn cũng có nhiều cây đột biến khác có giá trị cao như Monstera White monster có giá 150 triệu đồng một chiếc lá.
Tuy nhiên, theo nhiều người chơi dù cây đắt hay rẻ, đột biến hay không, giá trị của kiểng lá không nằm ở giá cả, mà là sự rung động thật sự của người chơi. Cô gái Đà Nẵng Nguyễn Quốc Họa My cho biết sẽ không bán cây Platycerium Foong Siqi do đã phải lòng ngay từ lúc mới tìm hiểu về loại kiểng “ổ rồng”. “Nó như cây giả vậy, đẹp không thể tưởng tượng được. Mình quyết phải có trong bộ sưu tập”, cô nói. Để mua được cô đã liên hệ với nhiều nhà vườn trên thế giới và xếp hàng chờ một nhà vườn ở Thái Lan ba năm. Hiện tại, cây Platycerium Foong Siqi của My có kích thước lớn nhất Việt Nam. Loài này có thể được trồng như một cây cảnh trong nhà hoặc ngoài vườn.
Nữ nghệ sĩ gốm này chơi cây từ thuở nhỏ và sưu tầm lan nhiều năm trước khi “nghiện” thêm các loại kiểng lá và ổ rồng. Khi cô bắt đầu năm 2018, cộng đồng kiểng lá rất nhỏ và thiếu thông tin. Vài người chơi cùng nhau săn cây ở các nhà vườn nước ngoài, chia sẻ giống cho nhau, cũng như các tài liệu từ blog cây cảnh nước ngoài.
“Giai đoạn đó chúng tôi trồng bằng cảm nhận và học hỏi kinh nghiệm của nhau. Nhưng từ năm ngoái, cộng đồng thực sự sôi động với sự tăng đột biến người chơi và các giao dịch mua bán”, cô gái 35 tuổi, đang sở hữu 12 trong số 18 loại ổ rồng nguyên chủng được ghi nhận trên thế giới, chia sẻ.